Ngày nay, mạng không dây đã trở nên khá phổ biến. Không chỉ ở các tổ chức và doanh nghiệp, mạng không dây còn được triển khai ở phần lớn các quán café, nhà hàng, khách sạn. Nhiều gia đình còn trang bị wireless để phục vụ nhu cầu chia sẻ Internet của các máy tính trong nhà, đồng thời phục các công việc khác. Do vậy, kỹ năng cấu hình mạng wireless đã trở nên rất cần thiết. Nhưng làm thế nào để có thể tự cấu hình wireless mà không phải mua sắm thiết bị phát sóng không dây (Access Point)? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bước cấu hình mạng wireless hoàn toàn miễn phí.

1. Download và cài đặt phần mềm giải lập Packet Tracer (PT)

Trước tiên, bạn cần download phần mềm miễn phí PT tại một trong hai địa chỉ: http://www.mediafire.com/?zziz2tziywj hoặc http://www.mediafire.com/?eei0uiyi4n932on. Sau khi hoàn thành, bạn nhắp đôi chuột lên file vừa thu được để cài đặt PT lên máy tính của mình.

2. Thiết kế mạng wireless

Trước khi cấu hình, bạn cần thiết kế sơ đồ mạng không dây. Ở đây, bạn vào menu Start Programs Packet Tracer 5.3, chọn Packet Tracer 5.3 để mở màn hình làm việc của PT. Trong khung chứa các thiết bị ở góc dưới bên trái, bạn chọn thiết bị wireless (Wireless Devices). Trong khung bên phải tương ứng, bạn chọn một Access Point để cấu hình (đây chính là thiết bị phát sóng không dây, được giả lập trên phần mềm PT. Sau khi kích chọn xong, bạn rê chuột lên vùng thiết kế và kích chuột một lần nữa để đặt đối tượng vào vùng này.

Tương tự, bạn tiếp tục chọn loại thiết bị đầu cuối (End Devices). Trong khung bên phải tương ứng, bạn chọn máy PC bằng cách kích chọn Generic và đặt máy tính này lên vùng thiết kế. Bạn có thể đặt một hay nhiều máy tính tùy ý.

3. Cấu hình wireless

Sau khi đã hoàn thành việc thiết kế, bạn kích lên đối tượng Access Point (Linksys WRT300N) trong vùng thiết kế để bắt đầu cấu hình. Trên tab Setup, ở mục Basic Setup, bạn điền địa chỉ IP và mặt nạ mạng cho Access Point ở mục IP Address và Subnet Mask. Tiếp theo, bạn có thể cấu hình để Access Point cung cấp địa chỉ IP động cho các máy trạm (wireless client) trong mạng bằng cách chọn Enabled ở mục DHCP Server, đồng thời điền địa chỉ IP bắt đầu vào mục Start IP Address. Muốn cung cấp địa chỉ IP động cho tối đa bao nhiêu máy tính, bạn điền vào mục Maximum number of Users.

Trên tab, Wireless, ở mục Basic Wireless Settings, bạn điền tên mạng không dây vào mục Network Name (SSID), ví dụ: HoangHac Cafe. Đây là tên được các máy trạm sử dụng để kết nối vào mạng không dây.

Tiếp theo, ở mục Wireless Security, bạn có thể chọn một trong các hình thức cấu hình chế độ bảo mật:

– Nếu với những nơi cho phép truy cập không dây miễn phí (café, nhà hàng, khách sạn…), ở mục Security Mode, bạn chọn Disabled.

– Nếu với những nơi yêu cầu khóa khi truy cập, ở mục Security Mode, bạn chọn phương pháp bảo mật phù hợp. Sau đó, bạn tiến hành điền khóa (key).

Sau khi thực hiện xong, bạn bấm nút Save Settings để lưu các thiết lập đã thực hiện.

Lưu ýnếu không điền được khóa bước này, bạn chọn tab Config. Trong khung bên trái, bạn chọn tab Wireless. Trong khung bên phải tương ứng, bạn điền khóa vào mục Key.

Đến đây, bạn đã hoàn thành việc cấu hình thiết bị phát sóng. Bước tiếp theo, bạn sử dụng máy trạm để kết nối vào mạng không dây. Để thực hiện, trong vùng thiết kế của phần mềm PT, bạn kích lên máy PC. Trên tabPhysical, ở khung bên trái, bạn kích chọn Linksys-WMP300N. Tiếp theo, bạn bấm vào biểu tượng Power để tắt máy PC. Tiếp theo, bạn kích chuột vào biểu tượng wireless interface ở góc dưới phải và kéo rê lên vị trí tương ứng trên PC.

Tiếp theo, trên tab Desktop của máy PC, bạn kích chọn PC Wireless. Trên tab Connect, bạn bấm nút Refreshđể hiển thị các thông tin của Access Point đã cấu hình. Đến đây, bạn bấm nút Connect. Nếu có thiết lập bảo mật, bạn điền khóa đã thiết lập trên Access Point ở bước tiếp theo và bấm nút Connect một lần nữa.

Sau bước này, máy tính PC (bao gồm card wireless) đã kết nối thành công đến Access Point mà bạn vừa cấu hình. Hãy thực hiện lệnh ping từ PC đến địa chỉ của Access Point để kiểm tra.
Như vậy, với phần mềm Packet Tracer, bạn hoàn toàn có thể tự mình luyện tập kỹ năng cấu hình hoàn chỉnh một mạng wireless mà không cần phải mua sắm bất kỳ một thiết bị nào.

Tô Thanh Hải – tthhai@live.com

Thư gửi mẹ

Posted: February 27, 2012 in Cuộc sống quanh ta

Mẹ thân yêu của con!

“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.

Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn:“Mẹ ghét tiền”.

Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.

Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.

Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.

Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ.

Nguyễn Trung Hiếu

Độ bền của máy tính phụ thuộc rất lớn vào cách sử dụng máy tính của bạn. Do đó, nếu không muốn thiết bị của mình gặp sự cố, bạn nên từ bỏ một số thói quen xấu sau đây.

Những thói quen nên từ bỏ khi sử dụng máy tính

Tạo quá nhiều biểu tượng

Màn hình Windows (desktop) của bạn sẽ trông giống như một ngăn kéo chứa rác, bởi vì nó sẽ tràn ngập các biểu tượng được trải dài từ đầu này đến đầu kia màn hình. Lúc đó nếu bạn muốn tìm file tài liệu quan trọng của công ty, bạn sẽ làm thế nào để tìm được biểu tượng (icon) của nó trong mớ hỗn độn đó?

Tắt máy bằng nút nguồn

Khi đã dùng xong máy tính laptop, nhiều người dùng có thói quen nhấn nút power để tắt máy tính. Tuy nhiên, trên nhiều máy tính, thao tác nhấn nút nguồn sẽ thực hiện tác vụ đưa máy tính về chế độ Sleep.

Về cơ bản, chế độ Sleep sẽ giúp máy tính chuyển sang chế độ hoạt động chỉ sau vài giây, song điều này vẫn được xem là thói quen xấu bởi 2 lý do:

Thứ nhất, vì chế độ Sleep không phải là chế độ tắt máy hoàn toàn nên laptop vẫn tiếp tục tiêu thụ điện của pin. Do đó, trừ khi máy tính xách tay được cắm vào một nguồn cấp điện, còn không nhiều khả năng khi bạn quay lại làm việc thì pin đã cạn.

Thứ hai, nếu quá lạm dụng cũng như tin tưởng một cách mù quáng vào chế độ Sleep thì máy tính của bạn sẽ hiếm có cơ hội khởi động lại. Trong khi đó việc khởi động lại thực chất là giúp Windows đang hoạt động thông suốt hơn.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng cách sau để tắt nhanh máy tính: Ấn và giữ nút nguồn, tuy nhiên bạn chỉ có thể thực hiện theo cách này khi máy tính bị khóa và bạn không có cách nào để khởi động lại hệ thống.

Lưu trữ mật khẩu không an toàn

Bạn sở hữu một mật khẩu “vững như bàn thạch” để sử dụng cho ngân hàng trực tuyến, nhưng rồi bạn lại lưu một bản sao của mật khẩu này trong một tập tin bảng tính (excel) chú thích trên Outlook hay trên điện thoại di động. Điều này sẽ thật nguy hiểm nếu chẳng may kẻ gian sử dụng thiết bị lưu trữ đó của bạn.

Khởi chạy ứng dụng từ trỏ chuột

Bạn vẫn thường sử dụng chuột để khởi chạy các ứng dụng? Mọi thứ đã lỗi thời.

Trong Windows 7 (và cả Vista, nếu kích hoạt thanh công cụ Quick Launch), bạn có thể khởi chạy mọi ứng dụng bên phải nút Start bằng cách ấn phím Windows và 1 con số. Ví dụ, biểu tượng trên thanh taskbar có vị trí gần nút Start nhấn (thường là biểu tượng của ứng dụng Internet Explorer) được gán số thứ tự là “1”.

Bằng cách ấn Windows + 1, bạn có thể khởi chạy ứng dụng đó trực tiếp từ bàn phím. Phương pháp này có tác dụng với 9 biểu tượng đầu tiên được gắn với thanh taskbar của Windows 7 (hoặc với thanh công cụ Quick Launch của Vista).

USB không được mã hóa

USB rõ ràng là một giải pháp lưu trữ thuận tiện, tuy nhiên loại thiết bị này rất dễ thất lạc hay mất và nó sẽ mang đến nhiều rắc rối bởi các thông tin cá nhân bên trong. Bạn có thể “bịt kín” lỗ hổng nguy hiểm này bằng cách cài đặt một phần mềm để mã hóa dữ liệu bên trong nó.

Nhắm mắt nhấn Next khi cài phần mềm

Đã bao giờ bạn thắc mắc về sự xuất hiện của các biểu tượng mới trên desktop? Tại sao các thanh công cụ không quen thuộc lại xuất hiện trong trình duyệt? Làm thế nào mà spyware kiểm soát máy tính của bạn? Lý do duy nhất ở đây là bạn đã trao cho chúng chìa khoá.

Nếu đã từng cài đặt nhiều ứng dụng, hẳn bạn có thói quen ngay lập tức nhấn chuột lên mọi nút Next mà không quan tâm đến nội dung thông báo đi kèm và điều này là sai lầm lớn.

Trong suốt quá trình cài đặt, nhiều ứng dụng hỏi bạn liệu có thể cài đặt phiên bản dùng thử hay miễn phí của các ứng dụng khác hay không, hay một thanh công cụ tìm kiếm mới cho trình duyệt.

Nếu cứ nhắm mắt làm theo hướng dẫn trong quá trình cài đặt thì bạn sẽ mất cơ hội chọn lựa các tùy chọn được cung cấp và kết quả là bạn sẽ nhận được những phiền toái không mong muốn.

Do đó, hãy thực hiện mọi việc thật chậm và cẩn thận. Hãy dành ra vài giây để đọc các thông báo và điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi những ngạc nhiên không được chào đón.